Đăng vào 3/25/2025
Do môi trường sống, học tập và giao tiếp thay đổi, hiện tại, trẻ em trong các cộng đồng thiểu số đang ít dùng tiếng mẹ đẻ hơn. Điều này đặt ra vấn đề về sự mai một của các ngôn ngữ ít phổ biến, cùng với đó là các giá trị văn hóa cũng bị ảnh hưởng.
Ảnh Hữu Vi: Trẻ em Thái ở miền núi Nghệ An tập múa sạp.
Khoảng 20 năm nay, khi đến các bản làng của người thiểu số ở miền Tây Nghệ An, Thanh Hóa và miền núi phía Bắc, tôi nhận thấy một thực trạng khá phổ biến là phần lớn trẻ em chỉ nói tiếng Kinh. Ở trường đã đành, nhưng khi về nhà, các bậc cha mẹ cũng chủ động giao tiếp với con trẻ bằng tiếng phổ thông và dần tạo thành một thói quen.
Thực trạng này cũng xảy ra đối với người Thái Đen ở huyện Điện Biên (Tỉnh Điện Biên). Khu vực này được xem là vùng cư trú sớm nhất của người Thái tại Việt Nam. Theo tìm hiểu, thì có những bản hiện tại cộng đồng rất ít giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Có nơi, trẻ em từ khoảng 10 tuổi trở xuống chỉ dùng tiếng phổ thông, dù ở trường học hay ở nhà.
Chị Vì Thị Đỉnh, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, chia sẻ: “Trẻ em trong bản ngày nay chủ yếu học ở trường, tối đến và dịp cuối tuần mới ở nhà. Điều này cho thấy môi trường nói tiếng mẹ đẻ bị hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ còn khuyến khích trẻ nói tiếng phổ thông từ sớm. Vì thế, nhiều cháu quên hẳn tiếng mẹ đẻ. Cha mẹ bảo đi lấy cái bát, cái đũa bằng tiếng dân tộc mình mà chúng cũng há hốc mồm.”
Về thực trạng trẻ em và nhiều người trong các làng bản người dân tộc thiểu số ngày càng ít dùng tiếng mẹ đẻ, một phần do sự thay đổi môi trường sống hiện đại, đòi hỏi giao tiếp đa dân tộc. Một lý do khác xuất phát từ tâm lý của các bậc cha mẹ: “Nhiều cha mẹ nghĩ rằng cho trẻ nói tiếng phổ thông sớm sẽ giúp trẻ dễ dàng hơn trong học hành. Tuy nhiên, về sau, tôi nhận thấy rằng để trẻ xa rời ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ khiến những phong tục, tập quán có nguy cơ mất đi.” – chị Đỉnh chia sẻ.
Quán Vi Miên - một nhà văn người Thái ở Nghệ An, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều sách văn chương và văn hóa Thái, trong đó có mảng truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ và từ điển tiếng Thái. Khi được hỏi về thực trạng sử dụng ngôn ngữ trong các làng bản của người thiểu số, ông cũng cho rằng không gian sử dụng tiếng mẹ đẻ đang dần bị thu hẹp. Theo ông, đó là do xu hướng toàn cầu khi các ngôn ngữ phổ biến hơn đang lấn át các ngôn ngữ thiểu số. Ông Quán Vi Miên chia sẻ thêm, việc khắc phục hiện tượng này phải dựa vào nhận thức của cộng đồng. Thứ tiếng nào được sử dụng nhiều và thường xuyên thì sẽ khó bị mai một hơn. Tuy nhiên, hiện tại chưa có một biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề này.
Còn chị Vì Thị Đỉnh, một cán bộ chi hội phụ nữ thôn bản, chia sẻ: “Từ khi nhận ra nguy cơ mai một của tiếng mẹ đẻ, tôi đã cố gắng tuyên truyền cho bà con trong cộng đồng về vai trò thực sự của việc sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ thường xuyên.”
Về hiệu quả của việc tuyên truyền này, chị Đỉnh cho hay: “Ở các bản khác thì tôi không có điều kiện tiếp cận, riêng trong bản tôi thì mọi người vẫn nghe theo. Họ bắt đầu nói tiếng Thái cùng con cái nhiều hơn.” – Chị nói bằng tiếng Thái.
Về quan điểm của các bậc phụ huynh rằng con cái nói tiếng phổ thông sớm sẽ học tốt hơn, Ths. Sohaniim - người nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số cho biết: Quan điểm giúp học sinh biết tiếng Việt sớm để các em tiếp cận giáo dục tốt hơn là thiếu cơ sở. Vấn đề giáo dục để tiếp cận kiến thức tốt phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Quan điểm này vô tình tạo thêm định kiến rằng hễ là trẻ em dân tộc thiểu số thì học kém.
Có lẽ, ngôn ngữ và cách thức trẻ tiếp nhận kiến thức có liên quan đến nhau nhưng không đóng vai trò quyết định. Ngôn giúp người ta diễn giải kiến thức, nhưng cách tiếp nhận tri thức là một kỹ năng phức tạp, không chỉ đòi hỏi vốn liếng ngôn ngữ. Tuy nhiên, có một điều dễ nhận thấy: khi ngôn ngữ mất đi, nhiều giá trị văn hóa khác cũng đứng trước nguy cơ mai một. Bởi vậy, việc bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ là một vấn đề quan trọng, cần sự quan tâm của các cộng đồng dân tộc thiểu số cũng như những người yêu quý văn hóa các dân tộc thiểu số.
Tác giả: Hữu Vi
Đăng vào 6/7/2022
Nhận thấy rằng, những gì có liên quan đến văn hóa – để có thể “sống” được thì chính cộng đồng phải là người đầu tiên hiểu hết giá trị của nó, và phải đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Bước đầu tiên của Tiên Phong, chọn đi tìm, trở về với những họa tiết hoa văn và ý nghĩa của nó trong bốn nhóm dân tộc Chăm, Mường, Pà Thẻn, Mông. Tiên phong tin rằng, trong thời gian tới sẽ mở rộng, lan tỏa đến các nhóm dân tộc khác.
Đăng vào 2/24/2022
Trong các video làm về người DTTS hoặc có xuất hiện hình ảnh người dân tộc thiểu số trên nền tảng Youtube, dễ dàng bắt gặp ba chủ đề phổ biến nhất là 1) phim ngắn, tiểu phẩm hài, thường có kịch bản và nội dung được sắp đặt; 2) video giới thiệu về các phong tục, tập quán; 3) video làm từ thiện.
Đăng vào 2/24/2022
Tiếp nối những nghiên cứu về diễn ngôn định kiến với người Dân tộc thiểu số trên báo chí iSEE từng thực hiện vào năm 2011 và năm 2021, chúng tôi muốn mang đến những câu chuyện, những lát cắt ngắn gọn, trực diện hơn qua series bài viết "Hình ảnh người dân tộc thiểu số trên truyền thông."